
Anh Hùng Ngô Mây – Người con Phù Cát, Bình Định
Ngô Mây sinh tại thôn Viên Triêm, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Bố mất sớm, mẹ chỉ có anh là người con duy nhất. Cuối năm 1946, giặc Pháp xâm chiếm toàn bộ Tây Nguyên và lăm le tràn xuống Bình Định. Ngô Mây xin mẹ đi bộ đội, anh gia nhập đại đội Quyết tử quân
Cột mốc 1947
Mùa hè năm 1947, quân Pháp đánh mạnh ở An Khê. Đại đội quyết tử được lệnh chặn đánh địch tại đèo An Khê. Nhưng đánh địch bằng cách nào khi bọn chúng có xe tăng, đại bác, súng lớn, súng nhỏ ầm ầm còn cả đại đội chỉ có một khẩu trung liên của Pháp đã cũ với một vài khẩu súng trường, lựu đạn, kinh nghiệm chiến đấu chưa có…
Bàn đi tính lại cuối cùng chỉ còn một cách: lấy tinh thần quyết tử vì Tổ quốc để làm tròn nhiệm vụ. Đại đội liền mở một cuộc lựa chọn người tình nguyện ôm bom xả thân diệt địch. Hơn 40 chiến sĩ xung phong nhận nhiệm vụ. Đại đội trưởng đếm xong, mọi người hạ tay xuống, duy còn một cánh tay vẫn giơ thẳng. Đó là Ngô Mây, anh sợ đại đội trưởng đếm sót mình nên vẫn chưa bỏ tay xuống. Sau khi cân nhắc, ban chỉ huy đại đội đã trao cho anh nhiệm vụ vinh quang đó.
Trận chiến Suối Voi
Trận chiến đấu với địch trong rừng Suối Vôi, ngày 24-10-1947 diễn ra vô cùng ác liệt. Sau nửa giờ chiến đấu ta diệt được hơn một tiểu đội địch thì khẩu trung liên của đại đội bị tắc, địch lợi dụng thời cơ đánh lên dữ dội. Theo kế hoạch đã định, đại đội trưởng ra lệnh rút quân.
Lúc đó, Ngô Mây vẫn bình tĩnh ngồi yên trong bụi rậm, chờ cho quân địch tiến lại đông hơn anh mới ôm bom lao vào giữa đội hình của chúng. Quân giặc còn chưa hết ngỡ ngàng thì một tiếng nổ vang lên. “Quả bom Ngô Mây” đã tiêu diệt hơn một trung đội lính lê dương, mở đường cho toàn đại đội xông lên đánh tan cuộc tiến công của chúng.
Liệt Sỹ đầu tiên được phong Anh hùng LLVT nhân dân
Tiếng bom Ngô Mây đã làm rung chuyển tinh thần quân viễn chinh Pháp và cổ vũ mạnh mẽ ý chí chiến đấu của bộ đội Liên khu 5, làm bùng lên phong trào giết giặc lập công khắp mặt trận nam Trung bộ.
Anh đã hy sinh nhưng như lời bài hát ca ngợi anh do nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn sáng tác, thì “tiếng bom anh vang vọng mãi ngàn năm… Máu hùng anh tô thêm cờ vàng sao đỏ thắm vinh quang…”. Liệt sĩ Ngô Mây là người đầu tiên được Đảng, Nhà nước ta truy phong Anh hùng LLVT nhân dân
Tượng đài
Sau hơn ba tháng khẩn trương thi công, lễ khánh thành khuôn viên tượng đài anh hùng liệt sỹ Ngô Mây (1920-1947) được tổ chức sáng 19-9 tại huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, Việt Nam
Toàn bộ kinh phí xây dựng công trình 1,2 tỉ đồng do Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng NutiFood tài trợ 750 triệu đồng, phần còn lại do địa phương đóng góp
Quê quán
Anh đã được tặng thưởng Huân chương quân công hạng hai và được Quốc hội truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 31/8/1955.
Đi theo đường Quy Nhơn – Tuy Phước xuống Vạn Gò Bồi, quê ngoại của nhà thơ Xuân Diệu, đi chừng hơn 2 km là tới xóm của Ngô Mây. Cách nay 7-8 năm, từ vạn Gò Bồi sang là một con đường đất nhỏ hẹp bị mưa lũ bào mòn, chỗ đứt chỗ nối, nước bùn ngập lụt. Người ta phải sắn quần lội bì bõm hay đi sõng nhỏ từng quãng ngắn.
Bây giờ đường lớn bê tông liên huyện, nối với Nhơn Hội (Quy Nhơn), Đề Gi (Phù Cát) và ra tuốt Hoài Nhơn, xe ô tô chạy ngon lành. Nhà Ngô Mây ở xóm Đình trên một gò đất nhỏ độ mươi nóc nhà. Chung quanh bây giờ lúa tốt ngập.
Tưởng nhớ anh hùng Ngô Mây
Để nhớ ơn anh hùng Ngô Mây, thị trấn Phù Cát trước đây được đổi tên thành thị trấn Ngô Mây. Tại thị trấn Ngô Mây cũng có một ngôi trường tiểu học mang tên Ngô Mây.
Ngoài quê hương Phù Cát, còn có một phường, một đường phố và hai trường học ở TP Quy Nhơn cũng được mang tên người Anh hùng Ngô Mây.
Tại vườn hoa trung tâm Phù Cát, một tượng đài anh hùng Ngô Mây ôm bom của họa sĩ Xuân Việt đã được dựng lên.
Nguồn: Sưu Tầm